Nhạc sĩ Ba Tu sinh năm 1936, lớn lên tại ấp Rạch Bộng, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, trong một gia đình có truyền thống yêu quý nhạc truyền thống, miền đất có nhiều tài danh âm nhạc đã hiệu chỉnh, sản sinh ra nhiều bản nhạc lễ, nhạc tài tử.
Ngay từ thời niên thiếu, chú bé Trương Văn Tự (tên thật của nhạc sĩ Ba Tu) đã được đến nhà nhạc sư Bảy Quế học đờn cò, nhạc lễ Nam Bộ, đồng thời học với các thầy Chín Phàn, Hai Đạm, Hai Võ.
Nhờ năng khiếu âm nhạc đặc biệt, tính cần cù luyện tập cùng sự động viên của gia đình, kinh nghiệm dạy đờn của nhạc sanh Bảy Quế mà chỉ trong thời gian ngắn chú bé Ba Tu đã đờn khá hay nhiều bài bản nhạc lễ bằng chiếc đờn cò.
Và chỉ vài năm sau, chú bé Ba Tu đã dần dần tập đứng trống lễ, thành thạo diễn tấu bộ võ nhạc lễ Nam Bộ gồm các nhạc cụ như: trống âm dương (trống chiến), trống cái, mõ, phệch, đồng đường, bạt nhỏ, bạt xà... Từ bộ văn (gồm: đờn dây, kèn...) nhạc sanh trẻ Ba Tu dần dần thông thạo bộ võ nhạc lễ Nam Bộ.
Từ những thực tế thực hành nhạc lễ Nam Bộ, nhạc sanh Ba Tu đã sưu tầm, nghiên cứu, hiệu chỉnh và dàn dựng lại nhiều bản nhạc như Nam dang, Bụa tư rơi, Xàng xê... và nhiều nghi thức trong thực hành nhạc lễ, nghi thức lễ tế dân gian Nam Bộ.
Năng lực diễn tấu nhạc lễ Nam Bộ, nhạc tài tử đã giúp nhạc sĩ Ba Tu thành danh tại khu Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định vào thập niên 1970. Thời gian này, nhạc sĩ Ba Tu từng tham gia trong các dàn nhạc của ban Vân Hạt (hát bội), các đoàn cải lương như: Tiếng Vang Thủ Đô, Phước Thành, Minh Tơ, Sài Gòn 3...
Đỉnh cao của ngón đờn nhạc sĩ Ba Tu đạt đến là thời kỳ nhạc sĩ Ba Tu tham gia trong dàn nhạc cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang những năm 1980, đồng thời tham gia lớp đào tạo của Nhà hát Trần Hữu Trang, đoàn cải lương 2-84.
Ngón đờn kìm của nhạc sĩ Ba Tu được công chúng quan tâm từ những đĩa hát cải lương thời kỳ cuối đầu thập niên 1990.
Từ năm 1995, nghệ sĩ Ba Tu kết thân với nghệ sĩ Dũy Chỗ (nhạc sĩ đờn tranh đoàn cải lương Sài Gòn 3) cùng nhau điêu luyện kỹ thuật diễn tấu nhạc tài tử, hiệu chỉnh lòng bản nhạc tài tử, bảo tồn phong cách, kỹ thuật diễn tấu nhạc tài tử của thời kỳ 1950-1960.
Từ năm 2000, cặp Dũy Chỗ - Ba Tu được công chúng quan tâm trong một số chương trình nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật đờn ca tài tử. Ngón đờn kìm nhạc tài tử của nghệ sĩ ưu tú Ba Tu được lưu trong bộ đĩa nhạc 20 bản tổ nhạc tài tử, bộ đĩa nhạc tám bản ngự... do Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An lưu hành nội bộ.
Từ năm 2018, di sản phi vật thể nghệ sĩ ưu tú Ba Tu đã để lại trong kho tàng âm nhạc truyền thống Nam Bộ là một số bản nhạc lễ được hiệu chỉnh, phong cách đờn kìm nhạc tài tử, nhạc cải lương với sự kết hợp giai điệu mềm mại của nhạc tài tử truyền thống và tiết tấu cứng của nhạc lễ Nam Bộ.
Và di sản ấy sẽ cần các thế hệ sau gìn giữ, tiếp nối.