Từ những năm đầu của thập niên 1950, nghệ sĩ Minh Chí đã nổi tiếng khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc và luôn cả bên Miên, trên Lào, do những bộ dĩa hát với tiếng ca của ông được phổ biến cùng khắp.
Thời thập niên 1960 đoàn cải lương Kim Chưởng được mệnh danh “đệ nhứt anh hùng lưu diễn.” Nhờ đi nhiều, tuồng hay hát được nhiều nơi nên làm ăn khá, đi tới đâu cũng hát tuồng “Anh Hùng Lạn Tương Như.”
Chính do vở tuồng này kép ca Minh chí đóng vai Lạn Tương Như đã được thiên hạ, người đời tặng phong danh hiệu “Vua Xàng Xê” cũng giống như “Vua Vọng Cổ” của Út Trà Ôn vậy.
Số là trong vở hát “Anh Hùng Lạn Tương Như” của soạn giả Tích Dẫn có lớp Lạn Tương Như đem ngọc bích của nước Triệu dâng cho Tần Thủy Hoàng để đổi lấy ấp Bái. Tần Thủy Hoàng ỷ mình nước lớn muốn chiếm đoạt viên ngọc mà không giao ấp Bái. Làm như thế, Lạn Tương Như kể như thất bại và không còn mặt mũi nào trở về Triệu. Biết ý định của Thủy Hoàng, Lạn Tương Như vô xàng xê:
Khoan! Nếu như Tần Vương toan dùng bạo lực cưỡng đoạt ngọc Bích Quan, thì đây là viên ngọc của Triệu Bang, Tương Như thề đập cho nát cho tan rồi mới chịu chết oan dưới lưỡi gươm linh của bạo chúa Thủy... Hoàng.
Tôi đã ra đi là vì thanh danh phẩm giá.
Tôi đến đây là vì quốc gia, vì sứ mạng.
Ðể đem viên ngọc bích này đổi về ấp Bái cho Triệu Bang...
Khán giả đã vỗ tay nồng nhiệt khi Minh Chí vô xàng xê. Nhờ làn hơi tốt mà cũng nhờ lối ca mới, Minh Chí vô xàng xê bắt khán giả phải chú ý nghe như là nghe vô vọng cổ vậy.
Những năm 1949-1950 là lúc mà máy hát quay dây thiều được coi như là phương tiện tốt để đem lời ca tiếng hát đến với mọi người hâm mộ, dù rằng ở tận nơi thôn quê hẻo lánh nào.
Những ai mà vào thời ấy biết thưởng thức cổ nhạc, chắc không quên được các bộ dĩa với tiếng ca Minh Chí như các dĩa Anh Hùng Liệt Nữ, Phất Cờ Ðộc Lập, Ðường Về Tổ Quốc, Máu Thấm Tần Hoàng Ðảo, v.v... đó là các dĩa mang nhãn hiệu Việt Nam của bà Sáu Liên.
Và những dĩa khác do hãng Asia phát hành cũng với tiếng ca Minh Chí như: Nguyệt Thu Nga, Nguyễn Thái Học, Non Tình Bể Hận, Kiều Oanh Công Chúa.
Những dĩa hát nói trên đem tiếng ca Minh Chí gần gũi với người hâm mộ từ thành thị đến thôn quê, do đó mà tiếng ca Minh Chí đi đâu cũng nghe.
Tóm lại nhờ dĩa hát phổ biến rộng rãi cùng khắp mà thiên hạ quen thuộc với tiếng ca Minh Chí, và điều ấy rất có lợi cho sau này khi Minh Chí hợp tác với Việt Hùng thành lập gánh hát.
Khoảng 1956 gánh hát Việt Hùng-Minh Chí ra đời. Lúc hát ở rạp Văn Cầm, Phú Nhuận, với vở tuồng “Người Ðẹp Bán Tơ.” Tuồng dựa theo câu chuyện nhân gian, Việt Hùng vai Lưu Bình, Minh Chí vai Dương Lễ và Ngọc Nuôi vai nàng Châu Long. Khán giả cũng muốn biết mặt Minh Chí nên suất hát nào cũng đông nghẹt người coi.
Thế nhưng, gánh hát Việt Hùng-Minh Chí chỉ oanh liệt trong một thời gian ngắn, rồi xuống dốc mau lẹ, chỉ hơn một năm thì nội bộ lủng củng đưa đến rã gánh. Không biết do bất mãn điều chi mà sau khi rã gánh thì hai anh kép này lại chẳng thèm ngó mặt nhau.
Sau ngày rã gánh, Việt Hùng vì ca dây đào không hay, nên không còn được giữ các vai quan trọng ở đoàn nào hết, đành đi hát chầu cho đại ban Thanh Minh, chuyên thủ vai “độc.” Còn Minh Chí nhờ có giọng ca hay nên được đoàn Kim Chưởng mời về nhận vai chánh, đóng cặp với đào Kim Chưởng (lúc này bà Kim Chưởng còn hát).
Theo Ngành Mai