Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường (sinh 1934) là một ca sĩ vọng cổ Việt Nam.
Ông sinh năm 1934 tại xã Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, trong một gia đình nhà nông. Ban đầu, ông chỉ nghe đài phát thanh, thuộc nằm lòng rất nhiều bài bản, câu hò điệu lý.
“Khoảng 15 tuổi, nghệ sĩ Văn Hường từ giã quê hương lên Sài Gòn... bán hột dưa ở rạp cải lương nổi tiếng bấy giờ là Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân thuộc Nhà hát Kịch TP HCM - 30 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP HCM).
Nghệ sĩ Lệ Liễu thấy anh còn nhỏ mà ca rất mùi bèn rủ hát cùng. Tình cờ, ông bầu Bảy Cao - Bầu gánh hát Hoa Sen ghé chơi, nghe Văn Hường ca, ông chú ý và cùng nhiều nghệ sĩ khác đến xem để nhận xét. Trong số những người trong nghề đến nghe Văn Hường ca, có soạn giả NSND Viễn Châu và từ khi lọt vào mắt xanh "Vua vọng cổ", cuộc đời Văn Hường sang một trang mới” - NSƯT Minh Vương kể lại.
Văn Hường không được đẹp trai, miệng lại móm và thiếu chiều cao, nên khi nghe bầu Bảy Cao và soạn giả NSND Viễn Châu hướng dẫn làm hề ca, ông đồng ý ngay. Thời đó, ông được "Vua vọng cổ" sáng tác nhiều bài ca cổ hài, khởi nguồn cho trào lưu viết vọng cổ hài thập niên 1960, mà nổi tiếng nhất là bài “Tư Ếch đi Sài Gòn”.
Năm 1972, nghệ sĩ Văn Hường hợp tác với ''vua'' ngâm thơ Tao Đàn – cố NS Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên “Thanh Hải - Văn Hường”. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về cộng tác với Đoàn cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), sau đó về Đoàn cải lương Sống Chung (Phước Chung). Năm 1987 do lớn tuổi, ông từ giã sân khấu, lui về mở quán nghệ sĩ Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP HCM cho đến ngày nay.
Ở tuổi gần 80, NS Văn Hường bộc bạch: “Đã qua tuổi thất thập cổ lai hi, còn có khán giả yêu mến, đêm đêm còn được ca theo yêu cầu của người yêu bài ca cổ hài đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một nghệ sĩ về chiều như tôi. Như đã nói, hễ còn “ự” được tui cứ “ự”, cho đến khi nào hết thở thì thôi!”.
Các nhạc phẩm do Văn Hường trình bày:
Ba Ông Thầy Bói
Chó mực đầu cáo
Chuyện tôi đi lính
Đời là gì?
Đi hát cải lương
Hiệp sĩ say giải nghệ
Kể tuồng sân khấu
Khúc nhạc đồng quê
Làm vua buồn lắm
Rapport táo quân
Tai nạn Honda
Tại tôi tuổi Sửu
Tào Tháo cháy râu (Trần Hà)
Tiền bạc, bạc tiền
Tề thiên đại thánh [1]
Tôi đi hớt tóc
Tôi thua số đuôi
Tư Ếch đi chợ
Tư ếch đi hội chợ
Tư Ếch, Ba Râu đi xem đại nhạc hội
Tứ đổ tường
Văn Hường đi Suyuki
Văn Hường đội sổ về trời
Văn Hường mê số đề
Văn Hường năm vợ
Văn Hường thương vợ nhỏ
Vợ tôi đẹp ác
Vợ tôi đi coi bói
Vợ tôi mê tân nhạc
Vợ tôi nói tiếng Tây
Vợ tôi tôi sợ